Làm gì khi con “nghiện” Youtube ?

by admin
tre-nghien-youtube

” Mẹ ơi, cho con xem Youtube ạ “ đây là câu nói cửa miệng của rất nhiều em bé từ 0-6 tuổi, trong đó có 2 bé nhà mình. Nhiều ba mẹ phàn nàn rằng, con mình rất nghiện xem điện thoại, con nghiện Youtube. Con thích cầm điện thoại và có thể xem Youtube cả ngày. Lúc ăn cơm, khi mới ngủ dậy, chỉ cần là thiết bị điện tử có cài đặt ứng dụng Youtube là con có thể mở ra xem được một cách dễ dàng. Thậm chí, con còn ra điều kiện để được xem khi bố mẹ muốn con làm gì đó.

Vậy ba mẹ cần làm gì khi con “nghiện” Youtube ?

con xem Youtube

1.Nguyên nhân khiến con nghiện Youtube

Con ăn đi rồi mẹ mở điện thoại cho nhé“. “ Lúc khác ba mẹ cho con đi chơi, con nín đi, rồi ba cho con xem Youtube nhé“. Đa số, cách giải quyết tức thời của phụ huynh là cho con xem điện thoại.

Không thể phủ nhận được sức mạnh của Youtube đối với trẻ nhỏ. Vì khi ba mẹ đưa cho con xem, lập tức giải quyết được các vấn đề như :

  • Con lười ăn, không chịu ăn, hay ngậm thức ăn, không nuốt
  • Con ăn vạ đòi đi chơi, gào khóc, dỗ mãi không nín
  • Con không chịu dậy đi học
  • Con khóc vì bị tiêm, bị bắt uống thuốc
  • Ba mẹ phải chăm con, không có thời gian làm việc, cần không gian yên tĩnh
  • Ông bà đau mỏi lưng, mỏi tay, không ẵm bế được cháu

Ba mẹ thấy chăm con theo cách này ” nhàn” nên phương án này thường xuyên được áp dụng. Có ba mẹ còn giao hẳn điện thoại cho con, để con tự do sử dụng. Thậm chí, con ở nhà với ông bà thì cũng được áp dụng theo phương pháp này. Thay vì mắng mỏ, dọa nạt mà con không chịu nghe lời thì chi bằng thỏa hiệp với con bằng cách cho con xem điện thoại. Dần dần, phương pháp này trở thành thói quen cho cả ba mẹ và con . Và Youtube trở thành ” bảo mẫu” lý tưởng của con.

Tâm lý chung của phụ huynh thường đưa ra các phán xét, chỉ trích. Thậm chí đổ lỗi do khách quan hơn là thừa nhận trách nhiệm thuộc về mình. Mọi vấn đề đều có 2 mặt của nó. Vậy, trước khi mắng con, ba mẹ có nghĩ mình mới là người tạo môi trường cho con, tạo cơ hội cho con tiếp xúc với điện thoại và Youtube ?

trẻ nghiện xem youtube

2. Xem Youtube có xấu không ?

Không thể đánh đồng việc xem Youtube là xấu. Bản thân những người sáng lập ra mạng xã hội này muốn tạo ra một nền tảng cho phép người dùng đăng tải, xem và chia sẻ video một cách thuận lợi. Họ không mong muốn mang đến những trải nghiệm xấu cho khách hàng của mình, càng không có ý muốn sản phẩm của mình trở thành ” bảo mẫu” của các bé.

Bản tính của trẻ nhỏ là tò mò và thích khám phá. Vì thế, trẻ sẽ rất dễ nghiện Youtube khi trẻ thấy được rất nhiều điều mới mẻ, thú vị trên nền tảng này.

Youtube thực sự không xấu nếu đó là những chương trình có ý nghĩa giáo dục tốt đẹp, lành mạnh , bổ sung kiến thức. Thậm chí, Youtube còn giúp trẻ mở rộng vốn từ, còn có thể biết các kỹ năng sống nữa.

Nội dung trên Youtube rất đa dạng. Với trẻ nhỏ, khả năng nhận thức và tự nhận thức, chọn lọc thông tin còn kém nên không thể tránh được việc con tiếp cận với các nội dung xấu. Vì vậy, thay vì cấm con xem, thì ba mẹ hãy đồng hành và hướng dẫn cho con xem một cách khoa học, chọn lọc các kênh bổ ích cho con.

ứng dụng Youtube

3. Các giải pháp hạn chế trẻ xem Youtube

Để bảo vệ con mình khỏi các nội dung độc hại, nguy hiểm, ba mẹ có thể áp dụng một số cách sau đây :

Quy định thời gian xem của trẻ

Trẻ có thể ngồi hàng giờ đồng hồ chỉ để xem điện thoại mà không biết chán, trừ khi con quá mỏi mắt và quá buồn ngủ. Vì thế, ba mẹ có thể giới hạn thời gian xem của trẻ. Quy định mỗi ngày con chỉ được xem trong khoảng bao nhiêu phút đồng hồ. Thông thường với các bé từ 0-6 tuổi, khoảng thời gian lý tưởng với các con là từ 10-30 phút/ ngày. Hãy giải thích lý do mình giới hạn thời gian như vậy để trẻ hiểu .

Ngoài ra, ba mẹ có thể cài đặt hẹn giờ tắt trên thiết bị điện tử để kiểm soát thời gian xem của con.

Dành thời gian chơi và trò chuyện cùng với con

Nguyên nhân dẫn đến việc con “nghiện” Youtube cũng xuất phát từ sự thiếu quan tâm của cha mẹ. Vì vậy, dù công việc có bận rộn đến đâu chăng nữa thì ba mẹ cũng nên dành một khoảng thời gian nhất định trong ngày để chơi đùa cùng con. Thay vì mỗi người “ôm” một cái điện thoại, ba mẹ có thể cùng con lắp ráp một mô hình nào đó, dạy con vẽ , đưa con đi chơi, hoặc nấu một món ăn mà con yêu thích. Như vậy , con sẽ cảm thấy gần gũi với ba mẹ hơn. Cách này cũng có thể “cai nghiện” điện thoại cho chính ba mẹ nữa.

Ngoài ra, ba mẹ nên cất điện thoại, ipad ở trên cao, tránh xa tầm mắt và tầm với của trẻ. Khi trẻ không thấy các thiết bị đấy thì trẻ cũng ít đòi xem hơn, trẻ sẽ tránh lệ thuộc vào điện thoại.

ba mẹ chơi cùng trẻ

Hướng con xem sang các kênh mang tính giáo dục cao

Thay vì xem Youtube, ba mẹ có thể cài đặt ứng dụng Youtube kid, một phần mềm dành riêng cho các bé. Nội dung trên nền tảng này cũng rất phong phú, thân thiện, được chọn lọc để phù hợp cho các bé từ 12 tuổi trở xuống.

Ba mẹ hoàn toàn có thể chặn những nội dung xấu, không muốn cho con xem, hoặc con muốn xem thì cần có sự phê duyệt của phụ huynh.

Thông thường các bé rất nhạy bén với các video, hình ảnh mang tính chất giải trí, hoạt động vui nhộn. Tuy nhiên, các video này thường không mang tính chất giáo dục cao. Vì thế, ba mẹ có thể giúp con lựa chọn các video thể hiện các nội dung liên quan đến các thói quen, sinh hoạt hàng ngày, các kỹ năng vận động, học hỏi. Các video dạy về ngôn ngữ hoặc toán học cũng rất thu hút sự chú ý của trẻ.

Một cách mà mẹ An Vi thường làm trong trường hợp bận việc khi con xem Youtube kid đó là bật âm lượng điện thoại ở mức to để đảm bảo rằng mình có thể nghe được nội dung mà con đang xem.

Ngoài Youtube Kid, ba mẹ cũng có thể cho con học các app học tập dành cho trẻ, những chương trình vừa học vừa chơi sẽ khiến trẻ thêm yêu thích học tập và quên đi ” Youtube”

Đối với trẻ nhỏ, việc chữa nghiện không thể nóng vội, mà cần sự kiên trì và tùy thuộc vào cách từng ba mẹ áp dụng cho con. Trên đây là những kinh nghiệm thực tế của mẹ An Vi trong quá trình nuôi dạy con và đã hiệu quả. Hy vọng những chia sẻ này sẽ hữu ích với các ba mẹ, để bảo vệ con mình khỏi những nội dung độc hại , không khiểm soát được.

Chúc các ba mẹ thành công !

Xem thêm bài viết : Làm thế nào để tạo môi trường tiếng Anh cho con

Có thể bạn quan tâm

Hãy để lại bình luận